Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND

Bài 1: Góp phần giải quyết bức xúc ở địa bàn ứng cử

- Thứ Năm, 04/01/2024, 07:10 - Chia sẻ

Với cách thức tiến hành chủ động và linh hoạt, hoạt động giám sát chuyên đề của Tổ đại biểu Thủ Dầu Một đã được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả. Điều đó đã giúp cho việc đánh giá, kết luận, kiến nghị của đoàn giám sát toàn diện, chính xác và phù hợp với thực tiễn, góp phần giải quyết vấn đề bức xúc của người dân ở địa bàn đại biểu ứng cử.

Cơ sở pháp lý triển khai trên thực tế

Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu chỉ được đặt ra từ năm 2015 - kể từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành, tuy nhiên, chỉ dừng lại ở một điều luật quy định khá đơn giản về nhiệm vụ: “giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp trên địa bàn hoặc về các vấn đề do Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân phân công”. Do đó, trên thực tế, chỉ có ở một số địa phương, Tổ đại biểu HĐND tiến hành hoạt động giám sát. Khó khăn lớn nhất khi triển khai giám sát của tổ đại biểu trong giai đoạn này là tổ đại biểu không có con dấu để chứng thực các văn bản do tổ ban hành; ngoài ra, các khuôn mẫu cần thiết để triển khai hoạt động giám sát cũng chưa được pháp luật quy định cụ thể (như trình tự, thủ tục giám sát, ban hành kết luận, kiến nghị giám sát, nhiệm vụ của tổ trưởng và các thành viên trong tổ khi tiến hành giám sát…).

Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Tọa đàm thực tiễn thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Tọa đàm thực tiễn thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Phải đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022, hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND mới được quy định rõ ràng và cụ thể, làm cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động giám sát của tổ đại biểu trên thực tế.

Nhìn từ thực tế của tỉnh Bình Dương

Trong một thời gian khá lâu, tỉnh Bình Dương không triển khai được hoạt động giám sát của tổ đại biểu, chủ yếu do không xác định được văn bản của tổ đại biểu phát hành sẽ sử dụng con dấu như thế nào để chứng thực giá trị pháp lý. Sau một thời gian lúng túng, Thường trực HĐND tỉnh đã giải quyết được vướng mắc trên bằng cách đề xuất đưa vào Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh Bình Dương với nội dung: “Các Tổ đại biểu HĐND tỉnh được sử dụng con dấu của HĐND tỉnh khi triển khai hoạt động giám sát của Tổ”.

Tìm ra cách giải quyết vướng mắc về việc sử dụng con dấu HĐND tỉnh cho hoạt động giám sát của tổ, nhưng sau đó các tổ đại biểu vẫn không thể tiến hành hoạt động giám sát do không rõ cơ chế triển khai giám sát của tổ như thế nào; và hầu hết đại biểu của các tổ đều hoạt động kiêm nhiệm, cũng không có bộ phận tham mưu, giúp việc cho tổ đại biểu…

Đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, ở Bình Dương, lần đầu tiên một tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát (Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thành phố Thủ Dầu Một giám sát về việc giải quyết kiến nghị của các hộ dân liên quan đến Dự án Khu dân cư Phú Thuận trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một).

Chủ động, linh hoạt trong thực hiện

Từ thực tế triển khai hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Thủ Dầu Một, có thể thấy việc lựa chọn vấn đề giám sát là khâu quan trọng đầu tiên. Qua theo dõi việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, kiến nghị các hộ dân liên quan đến Dự án khu dân cư Phú Thuận cho thấy, vụ việc này các hộ dân đã gửi đơn đến Thường trực HĐND và Ban Pháp chế HĐND tỉnh từ năm 2017. Trong năm 2017 - 2018, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát, tuy nhiên vụ việc vẫn kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm. Đồng thời, qua ý kiến phản ánh của cử tri tại các buổi tiếp xúc và tổng hợp tình hình, kết quả tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Tổ đại biểu Thủ Dầu Một lựa chọn vấn đề này để tiến hành giám sát đối với UBND thành phố Thủ Dầu Một, nhằm làm rõ một số nội dung liên quan đến quá trình giải quyết khiếu nại, kiến nghị của các hộ dân liên quan đến Dự án Khu dân cư Phú Thuận.

Đây là nội dung giám sát thiết thực, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân ở địa bàn ứng cử; đồng thời, đây cũng là nội dung đã được giám sát trước đó, nên Tổ đại biểu Thủ Dầu Một có thể sử dụng kết quả của đợt giám sát trước đó để tham khảo, phân tích sâu hơn trong đợt giám sát của Tổ.

Các công tác chuẩn bị, tổ chức giám sát bám sát những quy định trong Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15. Tuy nhiên, các quy định trong Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 chưa hoàn toàn đầy đủ, nên Tổ đại biểu Thủ Dầu Một đã trao đổi, thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh tiến hành giám sát theo các trình tự như sau:

(1) Tổ chức cuộc họp toàn thể thành viên của tổ để trao đổi, bàn bạc, thống nhất các nội dung liên quan đến giám sát (2) Báo cáo Thường trực HĐND tỉnh và ban hành kế hoạch giám sát của Tổ. (3) Thường trực HĐND tỉnh ban hành văn bản cho ý kiến thống nhất về kế hoạch giám sát của tổ, gửi đến tổ đại biểu và đơn vị chịu sự giám sát. (4) Tổ đại biểu  ban hành Thông báo Kế hoạch giám sát. (5) Tổ đại biểu tiến hành giám sát trực tiếp. (6) Sau giám sát, tổ chức họp toàn thể các thành viên để đánh giá; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục. Trên tinh thần đó, thư ký tổ đại biểu dự thảo báo cáo kết quả giám sát gửi các thành viên tổ đóng góp ý kiến trước khi trình tổ trưởng xem xét, thống nhất báo cáo Thường trực HĐND tỉnh. Căn cứ báo cáo của tổ, Thường trực HĐND tỉnh ban hành thông báo kết luận về kết quả giám sát của tổ đại biểu. (7) Tổ đại biểu tiếp tục theo dõi, nhắc nhở, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương
#